Thương hương tiếc ngọc - Chương 7
19
Biên cương lại dấy binh đao, thiên tử lệnh tướng quân Lý Quảng Phú lập tức cầm quân xuất chinh.
Chủ mẫu lần đầu gọi ta vào chính sảnh hỏi chuyện.
Ta theo đại a hoàn bên chủ mẫu bước vào, sợ sệt quỳ xuống đất. Sảnh chính bài trí không thứ gì không tinh xảo, chủ mẫu càng lộng lẫy, tựa châu ngọc.
Bà vú bên cạnh chủ mẫu cũng đang quan sát ta. Ta kém chủ mẫu tám tuổi, nhưng dù là dáng vóc hay dung mạo đều kém xa. Ánh mắt bà vú nhìn ta dần hiện vẻ châm biếm.
Chủ mẫu cho lui mọi người, ta càng cúi thấp người.
“Tướng quân sắp đi biên cương, lần này sinh tử khó liệu, ngày về chẳng biết. Chàng xưa nay không biết tự chăm sóc mình. Ta vốn muốn theo chàng, nhưng khó rời các con, lão Thái Quân lại đang bệnh. Ngươi hầu hạ chàng đã lâu, chàng quen dùng ngươi, lần này ngươi theo chàng ra biên cương, tận tâm hầu hạ. Chờ chàng bình an trở về, ta sẽ chủ trương cho ngươi về quê.
“Việc này ta đã bẩm Hoàng hậu, tuy không hợp lễ nhưng cũng không phải không có tiền lệ. Ngươi cứ an tâm.”
Ta rối rít vâng dạ. Chủ mẫu phất tay cho ta lui.
Bảy ngày sau, ta theo quân đội xuất phát, hành quân một tháng đến được Liêu Thành.
Trong Liêu Thành ai nấy lộ vẻ hoang mang, trên phố vắng tanh, người đi vội vã. Hiếm lắm thấy trẻ con bên đường, chúng khóc ròng, mặt vàng gầy yếu.
Đại tướng quân cầm hổ phù tiếp quản mọi việc trong thành. Tướng lĩnh dưới quyền đã sớm thu xếp chỗ ở cho chúng ta. Tiểu viện chúng ta ở trước thuộc về một phú hộ trong thành, họ đã dắt gia quyến trốn về phương Nam.
Ta cùng Tiểu Mãn thu dọn tiểu viện, tuy bỏ trống đã lâu nhưng nội thất vẫn còn nguyên. Đến tối tướng quân trở về, ta và Tiểu Mãn chật vật làm ra một mâm cơm.
Ăn tối xong, ta bảo Tiểu Mãn đi nghỉ sớm. Ta một mình xuống bếp đun một nồi nước nóng, cẩn thận rửa chân cho tướng quân, hầu chàng lên giường nằm xuống. Tướng quân mệt lử, vừa nằm đã nhắm mắt.
20
Liêu Thành dễ thủ khó công, tướng quân thay đổi phương thức tác chiến của quan quân tiền nhiệm, chỉ cố thủ trong thành, đóng chặt cửa, mặc cho địch quân ngoài thành gào thét chửi rủa. Thậm chí kẻ địch còn sai người đưa y phục nữ nhân đến làm nhục tướng quân.
Khi ấy đã là giữa mùa đông, vùng thảo nguyên phương Bắc vốn thiếu áo thiếu ăn, Liêu Thành lâu ngày không hạ được, binh sĩ ngoài thành dần có dấu hiệu tan rã. Nhưng trong Liêu Thành cũng đầy tiếng oán thán. Chiến sự kéo dài, thương nhân giàu có trong thành từng bắt tay nhau nâng giá, vơ vét bạc tiền mấy lượt, đến khi không thể bóc lột thêm, bọn họ lại dắt gia quyến bỏ đi, để lại một tòa thành nghìn lỗ trăm sẹo.
Quân sư và thuộc hạ đều cau mày lo lắng, mưu sĩ Giả Vũ bí mật đề nghị với tướng quân: cách Liêu Thành trăm dặm về phía Tây có một “kho lương thiên nhiên”.
Vài ngày sau, tướng quân bí mật phái cho Giả Vũ một đội ám vệ, mang về mấy xe đầy thịt tươi. Nói là lương thảo từ kinh thành đã đến, vui cùng dân chúng. Trong thành già trẻ đều hân hoan phấn khởi.
Ban đêm ta lo sợ bàng hoàng, mấy lần giật mình tỉnh dậy hét toáng. Tướng quân liền vung một bạt tai xuống mặt ta, mắng: “Đàn bà nhân từ!”
Ta kinh hãi bất an, không dám quấy rầy tướng quân nghỉ, chỉ co ro ở góc giường, mở mắt trừng đến sáng.
Gà vừa gáy, ta vội vã chỉnh trang, nấu mấy bát rau dưa thanh đạm cho tướng quân dùng bữa. Lúc hầu chàng dùng cơm, tướng quân hiếm khi tỏ chút thương hại, gọi ta ngồi cùng dùng bữa. Thấy ta vẫn hồn vía lên mây, chàng bắt ta quỳ xuống kiểm điểm.
“Lòng dạ đàn bà, chớ để hỏng đại sự của ta. Chuyện này mà lộ ra nửa điểm, ta sẽ hỏi tội ngươi!”
Tướng quân đi rồi, ta một mình ngồi trong sân ngẩn ngơ.
“Kho lương thiên nhiên” chính là trăm miệng già trẻ phụ nữ ở Liêu huyện.
Vì sát biên cương, nhiều năm chiêu binh, trai tráng trong làng đa số tử trận sa trường. Người già mất con, đàn bà mất chồng, còn trẻ con khát sữa khó nuôi.
Ngày cha dắt mẹ và ta đến đây, nữ nhân nơi này phần lớn làm nghề da thịt để nuôi sống cả gia đình già trẻ.
Nơi đây tiếng xấu vang xa, binh sĩ thủ thành hay thương nhân qua lại thường đến tìm hoan mua vui.
Cha ta thương xót họ, nhưng bản thân không có của cải, chỉ có thể góp chút sức mọn, mở tư thục trong làng, trẻ em dù trai hay gái đều được học chữ mà không thu học phí.
Họ nỗ lực sống như vậy, vẫn không thoát được cảnh “người làm thịt, ta làm cá”.
Tướng quân chỉ tự diễn một màn cướp bóc, họ liền biến thành món ăn cho cả thành.
Kể từ đó, Liêu huyện không còn nữa. Chú chó vàng nhà hàng xóm, tiểu lang quân từng chắt chiu tiền bạc, hẹn ngày ta cập kê sẽ đến hỏi cưới, đều không còn nữa.
Ta rốt cuộc không còn quê hương để về.
21
Một tháng sau đó tướng quân không quay lại, chỉ sai tiểu tư đến lấy y phục thường dùng.
Lần ta gặp lại tướng quân, thành đã reo hò, địch quân rút lui, Liêu Thành bình an.
Tướng quân đích thân dẫn thân binh tập kích đêm, đốt lương thảo địch, thanh danh vang dội. Dân trong thành ai nấy phấn khởi mừng vui.
Tướng quân gặp ta, đầy khí thế. Ta cùng chàng lăn lộn trên giường, trời đất đảo điên.
Tướng quân thỏa mãn, ôm ấp triền miên trên giường, những khó chịu trước kia như chưa từng xảy ra.
Liêu Thành hết nguy, nhưng trong thành trăm ngành đìu hiu. Tướng quân đi rồi, vị tri phủ xuất thân hàn môn không gánh vác nổi. Mà tướng quân xuất thân cao môn, ở kinh thành có vô số thân thích, đồng liêu, con cháu. Chủ mẫu lại được hoàng hậu yêu quý, bản thân tướng quân được thánh sủng dồi dào. Tại đây chàng muốn mạnh tay cải cách, chẳng ai dám hay có thể lấy mạng chàng.
Thánh thượng lệnh tướng quân ở lại. Năm năm sau, tướng quân hòa giải với thương nhân, đám thương nhân nối nhau trở về Liêu Thành, trăm nghề trong thành dần hưng thịnh.
Năm năm ấy, địch phương bắc mỗi thu đông vẫn quấy nhiễu nhiều lần, tướng quân tổn thương quân tinh nhuệ của họ, nhưng con trùng trăm chân chết chưa cứng, nhất thời khó trừ tận gốc.
Năm thứ sáu, trong Liêu Thành, dân chỉ biết Lý Quảng Phú tướng quân, không biết đương kim thiên tử.
Năm thứ bảy, thiên tử gấp triệu tướng quân hồi kinh, nhưng địch phương bắc đột ngột tổng tấn công, tướng quân đành ở lại Liêu Thành. Sau hòa bình, ngoại tộc phương bắc thường lui tới tiểu viện của tướng quân.
Ở Liêu Thành bảy năm, ta lại sinh hai trai hai gái. Sau khi sinh, tướng quân sắp xếp nhũ mẫu nuôi, đến nửa tuổi bọn trẻ theo nhũ mẫu về kinh, vẫn ghi tên dưới danh nghĩa chủ mẫu.
Ta mỗi năm chỉ được gặp mấy đứa con vào đêm trừ tịch, bảy năm sinh bốn đứa, bốn lần chia lìa.