Sống trong chân không - Chương 6
13
Phần nội dung sau đây là lời tự thuật của Trương Hòa.
Cha mẹ tôi là công nhân mỏ, vài năm trước họ đã qua đời trong một vụ sập hầm.
Tuy nhiên, khoản tiền bồi thường từ phía mỏ than mãi không được chi trả.
Để lo cho tôi học đại học, Trương Bình – anh trai tôi – từ đó bắt đầu đi làm xa.
Do không có bằng cấp và gia đình đang ngập trong nợ nần, anh tôi đành chọn làm công nhân tại các công trường xây dựng.
Nhờ công việc này, anh ấy đã kiếm được tiền trả học phí, sinh hoạt phí cho tôi và trả được một phần nợ.
Cuối năm đó, chúng tôi đoàn tụ tại quê nhà để ăn Tết. Anh tôi chỉ ở nhà đến mùng 7, sau đó để lại cho tôi một khoản tiền rồi lên đường trở lại công trường.
Trước khi đi, anh nói rằng công trường cũ đã làm xong, lần này anh sẽ chuyển đến một công trường khác, nơi có mức lương cao hơn để kiếm thêm chút tiền.
Ai ngờ, lần đó lại là lần cuối cùng tôi gặp anh.
Sau đó, tôi quay lại trường học. Từ đầu học kỳ đến khi kết thúc, suốt gần nửa năm tôi không thể liên lạc được với anh.
Ban đầu tôi nghĩ có lẽ anh làm mất điện thoại, nhưng sau đó số điện thoại của anh bị báo hết tiền, rồi cuối cùng thành số không tồn tại. Lúc này, tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Trong thời gian học ở trường, tôi đã cố gắng tìm kiếm anh, nhưng vì không biết anh đang làm ở công trường nào, tôi đành chờ đến kỳ nghỉ hè để bắt đầu điều tra từ đầu.
Cuối cùng, tôi tìm ra công trường mà anh từng làm việc, nhưng không hề thấy bóng dáng của anh ở đó.
Để tránh đánh động, tôi xin làm công nhân thời vụ với lý do kiếm thêm trong kỳ nghỉ hè. Vừa làm việc, tôi vừa âm thầm tìm kiếm thông tin.
Tôi hỏi thăm khắp nơi trong công trường, nhưng không ai biết anh trai tôi.
Tôi lén vào văn phòng để kiểm tra hợp đồng thì phát hiện ra điều bất thường: công trường này hầu hết sử dụng lao động không có giấy tờ. Dù thực tế có hơn 70 công nhân làm việc, nhưng chỉ có 20 hợp đồng lao động được ký. Hơn 50 người còn lại đều là lao động “chui.”
Khi tôi bắt đầu nghĩ rằng anh tôi không ở công trường này, thì tôi gặp được Tôn Hoa.
Trên người Tôn Hoa, tôi nhìn thấy chiếc áo của anh tôi.
Tôi nhớ rất rõ chiếc áo đó. Ban đầu, nó là một chiếc áo dài tay, nhưng có lần tôi vô tình làm cháy phần ống tay khi sưởi ấm. Anh tôi sau đó đã cắt bỏ cả hai ống tay, biến nó thành áo thun.
Loại áo này không thể nào có cái thứ hai giống hệt.
Tôi liền kéo Tôn Hoa lại hỏi về nguồn gốc của chiếc áo.
Tôn Hoa nhìn tôi và chỉ trả lời rằng chủ nhân của nó đã rời đi, để lại áo trong ký túc xá.
Lời giải thích đó khiến tôi càng cảm thấy có gì đó không ổn, nên tôi tiếp tục gặng hỏi.
Sau nhiều lần bị tôi ép buộc, cuối cùng Tôn Hoa cũng chịu nói. Anh hỏi về mối quan hệ giữa tôi và Trương Bình, tôi trả lời rằng chúng tôi là anh em ruột.
Lúc này, với vẻ mặt đầy lo lắng, anh ta kể cho tôi những gì anh biết.
Mùng 9 Tết, công nhân bắt đầu quay lại công trường làm việc.
Anh tôi đã rời quê vào mùng 7, nên mùng 8 đáng lẽ anh đã đến nơi.
Lúc đó, số công nhân quay lại chưa đông, nhưng ban quản lý yêu cầu những người đã có mặt phải nhanh chóng bắt tay vào xây dựng khu nhà mẫu.
Một nhóm công nhân, trong đó có anh tôi, bị ép ra ngoài làm việc.
Tôn Hoa trở về công trường vào rạng sáng mùng 10. Khi về ký túc xá, anh thấy hai công nhân cùng phòng đã quay lại.
Họ ngồi trên ghế, quần áo lấm lem bùn đất, dưới chân là một đống đầu lọc thuốc lá mới hút.
Tôn Hoa hỏi họ:
“Đã xảy ra chuyện gì vậy?”
Một công nhân hít một hơi thuốc dài, giữa làn khói mờ, trả lời bằng giọng nặng nề:
“Tuyết vẫn chưa tan, đường trơn quá…”
Ngày hôm sau, những công nhân đó đều bị điều chuyển sang công trường khác.
Vì trở về muộn vào rạng sáng, Tôn Hoa không nằm trong nhóm bị điều chuyển.
Trước khi rời đi, nhóm công nhân kia mang theo hành lý của anh tôi, nói rằng anh tôi cũng bị điều chuyển, nên họ mang theo đồ của anh.
Nhưng khi mang hành lý đi, họ đã bỏ quên chiếc áo đang phơi trên ban công của anh tôi.
Thấy chiếc áo không ai lấy, Tôn Hoa liền lấy mặc.
Đây là những gì Tôn Hoa đã kể cho tôi.
Kết hợp với mọi dữ kiện, cả tôi và anh ấy đều cảm thấy có điều gì đó bất thường.
Tôn Hoa rít một hơi thuốc, rồi nói:
“Không chừng anh cậu đã chết ở công trường này rồi.”
Tôi phản bác:
“Nếu anh ấy chết ở công trường, chắc chắn phải có thông tin chứ.”
Tôn Hoa đáp lại:
“Ở công trường này, mọi thứ rất lộn xộn. Nhiều công nhân không có giấy tờ. Đôi khi người chết bị chôn ngay tại chỗ là chuyện không hiếm.
Hơn nữa, nếu chuyện này lộ ra, công trường sẽ bị đình chỉ để điều tra, vừa làm chậm tiến độ, vừa tốn khoản bồi thường lớn cho gia đình nạn nhân.
Ban quản lý chắc chắn không muốn vậy. Thay vào đó, họ chỉ cần cho những người biết chuyện một khoản tiền là mọi chuyện sẽ được giữ kín.”
Những lời của Tôn Hoa khiến tôi dao động.
Tôi muốn tìm những công nhân đã bị điều chuyển để hỏi, nhưng Tôn Hoa nói rằng họ cũng là lao động “chui,” không có cách nào liên lạc.
Tôi muốn đến ban quản lý công trường đòi câu trả lời, nhưng nếu họ đã có thể giết anh tôi mà không để lộ dấu vết, thì liệu tôi có bị giết nếu dám hỏi không?
Sau khi cân nhắc kỹ, tôi quyết định đi đến sở cảnh sát.
14
Tôi đưa Tôn Hoa đến sở cảnh sát, kể lại những phán đoán của chúng tôi cho họ.
Nhưng viên cảnh sát tiếp nhận vụ việc lúc đó nói rằng:
- Không có hợp đồng lao động thì không thể chứng minh rằng Trương Bình từng làm việc ở đây. Dù có chứng minh được, thì cũng chỉ có thể khẳng định anh ấy từng làm việc tại công trường này.
Theo lời mô tả của Tôn Hoa, rất có thể Trương Bình đã cùng nhóm công nhân kia chuyển đến công trường mới.
Những gì chúng tôi nói đều chỉ là suy đoán, hiện tại không có bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh rằng Trương Bình đã chết. Cùng lắm, họ có thể đến công trường để tìm hiểu tình hình, nhưng nếu không có chứng cứ xác thực, cảnh sát không thể yêu cầu công trường ngừng hoạt động hay tiến hành khám xét.
Sau nhiều lần trao đổi, kết luận cuối cùng mà cảnh sát đưa ra vẫn không thay đổi.
- Cùng lắm là khai báo Trương Bình mất tích, không thể xác định rằng anh ấy đã gặp nạn.
Tôi đi qua nhiều đồn cảnh sát khác nhau, nhưng đều nhận được câu trả lời tương tự.
Không có chứng cứ, chỉ dựa vào suy đoán, vụ việc chỉ được coi là mất tích.
Tuy nhiên, chuyến đi này không hoàn toàn vô ích.
Cảnh sát có hệ thống truy vết thông qua chứng minh nhân dân.
Mỗi lần chứng minh nhân dân được đăng ký hoặc sử dụng, đều sẽ được ghi lại trong hệ thống của cảnh sát.
Kết quả cho thấy, trong suốt nửa năm qua, chứng minh nhân dân của Trương Bình hoàn toàn không được sử dụng.
Nhưng ngay cả như vậy, điều này cũng không đủ để chứng minh rằng anh ấy đã qua đời.
Tôi bất lực, liền tìm đến các tòa soạn báo và đài truyền hình, hy vọng họ có thể đưa câu chuyện này ra ánh sáng.
Tôi đã liên hệ với rất nhiều phóng viên, nhưng cuối cùng tất cả đều đưa ra cùng một câu trả lời:
- Đây chỉ là nghi ngờ, không có chứng cứ, họ không thể sử dụng uy tín của mình để chấp nhận rủi ro này.
Tôi nghĩ, thôi thì dùng mạng xã hội để tự mình lên tiếng vậy.
Tôi mở Weibo, viết một đoạn dài rồi đăng tải.
Nhưng bài viết bị gỡ xuống chỉ sau 15 giây vì vi phạm quy định cộng đồng.
Tôi chỉnh sửa nội dung và đăng lại, nhưng lần này chưa đầy 15 giây bài viết lại bị gỡ.
Sau đó, dù tôi đăng bao nhiêu lần, bài viết cũng không trụ được quá 15 giây trước khi bị xóa.
Cuối cùng, tài khoản của tôi bị khóa.
Trong suốt 21 năm cuộc đời mình, chưa bao giờ tôi cảm thấy khó khăn đến vậy khi muốn cất lên tiếng nói của một con người còn sống.
Nếu Trương Bình chỉ chuyển đến công trường khác, tại sao nửa năm nay anh ấy không nạp tiền vào điện thoại?
Nếu Trương Bình chỉ chuyển đến công trường khác, tại sao hành lý của anh lại do người khác mang đi?
Nếu Trương Bình chỉ chuyển đến công trường khác, tại sao trong suốt nửa năm qua, anh ấy chưa từng sử dụng chứng minh nhân dân một lần nào?
Rất có thể anh trai tôi đã bị chôn dưới lòng đất của công trường này. Nhưng tôi không có chứng cứ.
Không có chứng cứ, không ai có thể giúp tôi điều tra.
Điều tôi mong muốn chỉ là tìm lại được anh trai mình. Dù anh ấy đã qua đời, ít nhất tôi cũng có thể đưa hài cốt của anh về, để an táng cùng cha mẹ.
Chuyện như vậy mà cũng không được sao?
Đứng dưới ánh mặt trời, nhưng tôi lại cảm thấy mình đang sống trong chân không.
Rõ ràng là đang gào thét, nhưng chẳng có nơi nào để âm thanh của tôi vọng đến.
15
Sau đó, tôi tiếp tục làm việc tại công trường, dự định trong quá trình làm việc sẽ tìm thêm chứng cứ khác.
Tôi đã làm đến tận tháng 8 mà không tìm thấy bất kỳ manh mối nào.
Lúc này, Tôn Hoa bất ngờ tìm đến tôi và hỏi:
“Nếu tôi giúp cậu tìm anh trai, cậu sẽ trả tôi bao nhiêu tiền?“
Câu hỏi đó khiến tôi lặng thinh.
Cha mẹ tôi gặp nạn, tiền bồi thường từ vụ đó vẫn chưa nhận được. Giờ anh trai mất tích, tôi thực sự không có nhiều tiền.
“Tôi không có bao nhiêu tiền cả…”
Tôn Hoa xua tay, nói:
“Tôi tin rằng Trương Bình đã bị chôn đâu đó trong công trường này. Nếu tôi giúp cậu tìm được anh ấy, cảnh sát sẽ can thiệp, chắc chắn công trường sẽ phải bồi thường một khoản lớn, đúng không?“
“Tôi không biết sẽ được bồi thường bao nhiêu…”
“Tôi đã tính rồi. Khoản bồi thường một lần có thể lên đến 800.000 tệ, còn các khoản bổ sung có thể thêm 400.000 tệ, tổng cộng là 1,2 triệu tệ. Với trường hợp của anh cậu, nếu đây là một vụ mưu sát, có thể còn được bồi thường nhiều hơn.”
Tôi không hiểu.
“Ý anh là gì?”
Tôn Hoa lấy ra một tờ kết quả khám bệnh, phần chẩn đoán ghi rõ: Ung thư phổi giai đoạn cuối.
Anh ấy tiếp tục nói:
“Tôi hút thuốc quá nhiều, bệnh này đúng là giết người. Bác sĩ nói để chữa trị căn bệnh này cần ít nhất 1 triệu tệ, nghe xong số tiền đó tôi quyết định không chữa nữa. Bây giờ tôi chỉ muốn kiếm một khoản tiền để lại cho vợ con trước khi chết.”
Tôi cau mày.
“Ý anh là…?”
“Tôi sẽ giúp cậu tìm anh trai. Khi cậu nhận được khoản bồi thường cho anh ấy, chia cho vợ con tôi một nửa.”
“Nhưng tôi còn chưa chắc chắn anh trai tôi có thật sự bị chôn ở công trường hay không.”
Tôn Hoa lắc đầu, định rút một điếu thuốc nhưng chợt nhớ ra mình bị ung thư phổi, lại ném đi.
“Cậu không chắc chắn cũng không sao. Thú thật, vài ngày trước tôi đã nghĩ đến chuyện tự nhảy từ giàn giáo xuống để chết. Nhưng nghĩ lại, nếu tôi chết ở đây, công trường này có thể sẽ không bồi thường cho vợ con tôi, thậm chí còn chôn tôi như cách họ làm với anh trai cậu. Đến lúc đó, vợ con tôi ngay cả thi thể của tôi cũng không nhận được.”
“Vậy anh định làm thế nào?”
“Hiện tại, chẳng qua là vì chuyện này chưa bị làm to nên không ai thèm quan tâm đến anh trai cậu.”
“Đúng vậy.”
“Tôi sẽ giúp cậu.”
“Anh giúp tôi kiểu gì?”
“Hoặc là tôi lao đầu chết ở công trường này, rồi cậu nói rằng tôi bị chôn trong công trường. Cảnh sát sẽ vào điều tra, chẳng phải họ sẽ tìm được anh trai cậu sao?”
“Nếu làm vậy thật, tôi e rằng mình sẽ không rời khỏi công trường này an toàn.“
“Đúng thế. Công trường này đen tối lắm. Để tôi nói cho cậu nghe, nếu muốn chuyện này thành lớn, cậu phải nhắm vào tay quản lý dự án. Ông ta là người đứng đầu ở công trường, chắc chắn biết anh trai cậu đang ở đâu.”
Lời của Tôn Hoa rất có lý.
Quản lý dự án chắc chắn biết anh trai tôi ở đâu.
Nhưng hiện tại, ông ta sẽ không chịu nói ra.
Tôi hít một hơi thật sâu.
“Tôi sẽ suy nghĩ thêm.”
Thực ra, mục đích cuối cùng chỉ có một: Khiến cảnh sát điều tra công trường này.
Điều tôi cần làm là tạo ra một lý do đủ để cảnh sát can thiệp.
Tôi nghĩ đi nghĩ lại.
Làm thế nào để khiến vụ việc trở nên lớn, nhưng không khiến những kẻ đứng sau công trường cảnh giác? Làm thế nào để công trường không kịp phản ứng, và đồng thời lôi được tay quản lý dự án vào cuộc?
Sau rất nhiều đắn đo, tôi chỉ nghĩ ra được một cách duy nhất:
“Sinh mạng con người.”